LỚP HỌC KHÔNG TƯỜNG – HỌC NGOÀI THIÊN NHIÊN

Không phải lớp học nào cũng có 4 bức tường. Điều mà những đứa trẻ cần, không chỉ là những chương trình giảng dạy trên sách vở, mà còn là cơ hội được kết nối thường xuyên với thế giới THẬT bên ngoài.

Trong cuốn sách “Last Child in the Woods” năm 2005, tác giả Richard Louv giới thiệu một thuật ngữ mà hiện nay đã trở nên nổi tiếng, “rối loạn thiếu hụt thiên nhiên”. Trẻ em ngày nay phải dành quá nhiều thời gian trong 4 bức tường vì người lớn quá bận rộn và sợ rằng bên ngoài thiên nhiên kia có quá nhiều rủi ro. Tuy nhiên ở Cánh Diều, chúng tôi tin rằng rủi ro lớn nhất của trẻ em ở thời đại ngày nay là chúng không bao giờ được tạo cơ hội để đối mặt với rủi ro và học cách kiểm soát rủi ro. Và trẻ đạt được lợi ích đặc biệt gì khi học ngoài trời? Không gian ngoài trời với vô số điều hấp dẫn sẽ kích thích sự tò mò của trẻ, thôi thúc bản năng khám phá bên trong những đứa trẻ. Từ những hoạt động đó, sự sáng tạo của trẻ gần như vượt ra ngoài sự tưởng tượng của chính người lớn. Việc được tham gia những trải nghiệm ngoài thiên nhiên giúp trẻ giảm căng thẳng, thêm vui vẻ, có tác dụng rất lớn tới sức khỏe tinh thần của trẻ.

Với chương trình Lớp học không tường (LHKT), trẻ em dành phần nhiều thời gian vui chơi và học các kỹ năng ở ngoài trời bất kể thời tiết. Ở đây, những em bé từ 4 tuổi trở lên đã tích lũy được vốn kiến thức sâu rộng về về đặc tính, môi trường sống, vòng đời của rất nhiều loaì động, thực vật trong hệ sinh thái bao quanh chúng ta bởi vì bọn trẻ được kết nối trực tiếp và khám phá thiên nhiên hằng tuần thậm chí hằng ngày.

LHKT mong được là 1 trải nghiệm đầu đời thật ý nghĩa và hạnh phúc trong suốt hành trình khám phá thế giới rộng lớn và tươi đẹp mãi về sau của các bé.

Learning In The Woods
288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, Quận 7

#canhdieu#learninginthewoods#lophockhongtuong#lelabaotang#tungtangbaotang

TRẺ EM VÀ SỰ LẶP LẠI

Cánh Diều hay nhận được câu hỏi của các ba mẹ có con tham gia Lớp học không tường, rằng trong chương trình mình có một số hoạt động lặp đi lặp lại từ tuần này sang tuần khác, liệu có làm con nhàm chán hay không?

Các ba mẹ đừng lo nhé, vì đối với trẻ con, một hoạt động cần lặp đi lặp lại rất nhiều lần trước khi nó thật sự trở thành kỹ năng của bé. Hơn nữa, trẻ con ít khi cảm thấy nhàm chán như người lớn. Chắc hẳn các ba mẹ đã nhiều lần chứng kiến bé nhà mình cứ chơi đi chơi lại 1 trò chơi, đọc đi đọc lại 1 cuốn sách, hỏi đi hỏi lại 1 câu hỏi, lần nào cũng với vẻ mặt đầy háo hức và với mỗi lần chơi, trẻ đều có cách biến tấu đi 1 chút so với lần trước.

“Với trẻ em thì không bao giờ có sự lặp lại, mỗi lần đối với chúng đều là lần đầu tiên. Vì thế khi tìm kiếm ý tưởng chúng thấy một thế giới tươi mới nguyên sơ, một thế giới không có quy tắc, không có biên giới, rào cản, tường cao hay giới hạn, một thế giới đầy hứa hẹn và cơ hội bất tận” – Jack Foster.

Learning in the Woods
288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7
#learninginthewoods#canhdieu#lophockhongtuong

LÊ LA LÀNG NGHỀ. BÉ NÊN ĐI 1 MÌNH HAY ĐI VỚI BA MẸ?

Chắc nhiều ba mẹ ở đây đã từng lâm vào hoàn cảnh, trong 1 chuyến đi du lịch với bé, đang trên đường đi thì xuất hiện 1 bụi mắc cỡ ven đường, và bé cương quyết ngồi xuống đụng cho từng chiếc lá cụp xuống rồi mới chịu đứng lên đi tiếp, cho dù ba mẹ sốt ruột đến chừng nào, lịch trình đã lên sẵn nhưng chỉ cần 2 bụi mắc cỡ thôi là đủ để phá vỡ lịch trình hoàn hảo đã đề ra. Cây mắc cỡ là cô chỉ lấy ví dụ thôi, chứ trên con đường thiên lý có 1001 thứ tuy nhỏ bé bình dị nhưng lại siêu hấp dẫn trong con mắt của các bé, những thứ này hoàn toàn không có trong lịch trình của người lớn. Vậy trong trường hợp này, thường các ba mẹ xử lý làm sao?

Còn ở Cánh Diều, các thầy cô khuyến khích để bé được tự do khám phá những điều mà các bé cảm thấy cuốn hút. Cô sẵn sàng bỏ 1 điểm du lịch nổi tiếng, cực kỳ hấp dẫn và nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử….chỉ để cho bé có được nửa tiếng đồng hồ ngồi đụng vào cây mắc cỡ, và có thể nửa tiếng nữa ngồi ngắm nhìn đàn kiến tha mồi quanh gốc cây. Bởi cô hiểu, chúng ta không thể áp đặt sở thích của mình lên trẻ. Trẻ con có góc nhìn hoàn toàn khác người lớn. Những điều mà chúng ta cảm thấy nhàm chán, trẻ lại thấy hấp dẫn. Và chỉ khi trẻ cảm thấy có hứng thú, trẻ mới có khả năng tập trung cao độ, tò mò, quan sát, và đặt câu hỏi. Hãy tập cách đi chậm lại, thậm chí dừng lại và ngắm nhìn thế giới giống như trẻ, chúng ta sẽ thấy quanh mình toàn những điều kỳ diệu và chẳng có điều nào mà không đáng để chúng ta tò mò, khám phá.

Bởi vì nhu cầu, sở thích của người lớn và trẻ nhỏ khác nhau, nên ở Cánh Diều, các thầy cô đã phát triển 2 dạng hoạt động khác nhau, 1 dạng dành cho cả gia đình, và 1 dạng chỉ dành cho trẻ không có ba mẹ đi kèm. Khi trẻ đi 1 mình cùng bạn bè, thầy cô, trẻ sẽ tập trung vào việc học tập hơn cũng như tăng tương tác với bạn bè, thầy cô. Và thêm nữa, chuyến đi chỉ có trẻ sẽ được triển khai theo đúng kiểu “Lê la”. Các thầy cô vẫn luôn soạn sẵn những lịch trình tỉ mỉ đến từng chi tiết, tuy nhiên trẻ mới là người quyết định các hoạt động trong chuyến đi. Cô và trò sẽ cùng nhau đi thật chậm, dừng lại bất kỳ đâu mà trẻ cảm thấy hứng thú để khám phá, hỏi đáp tất tần tật những thắc mắc của các bạn nhỏ về những điều “bình thường” nhưng không “tầm thường” xung quanh. Lịch trình cuối cùng có thể không trọn vẹn như đề ra ban đầu, nhưng chắc chắn sẽ là 1 ngày ý nghĩa với các bạn nhỏ.

Vì các lý do trên, hiện nay, với các lớp của chuỗi Lớp học không tường, Cánh Diều không khuyến khích ba mẹ đi cùng con. Qua 1 thời gian triển khai chuỗi Lê la làng nghề nhưng vẫn chưa ra đúng chất lê la, Cánh Diều mong muốn những chuyến đi tới sẽ khác hơn, theo đúng chuyến đi được thiết kế cho trẻ, vì trẻ.

Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều ba mẹ, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn rất mong muốn được đi theo con trong lớp Lê la làng nghề. Vậy cô mong ba mẹ nếu vẫn kiên quyết đi cùng bé, thì hãy suy nghĩ thật kỹ và chấp nhận kiểu đi “lê la” của lớp học này. Còn nếu mình không đủ kiên nhẫn, và cũng chưa đủ hứng thú để lê la, ba mẹ hãy yên tâm để bé đi 1 mình với các thầy cô nhé.

Thân mến./.

Learning in the Woods
288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7

#lelalangnghe#learninginthewoods#canhdieu #lophockhongtuong

TRẠI HÈ – NƠI NHỮNG NGƯỜI XA LẠ TRỞ THÀNH BẠN BÈ VÀ RỒI BẠN BÈ TRỞ THÀNH NGƯỜI MỘT GIA ĐÌNH

Thư gửi các bé Trại hè đợt 1 của Cánh Diều

Chào các con, những bé trại hè đầu tiên của mùa hè 2020.

Mùa hè năm nay là một mùa hè thật đặc biệt, khi chúng ta vừa trải qua 1 đợt cách ly xã hội thật dài, và cả thế giới đang cùng lo lắng vì những bất ổn, những biến động đang xảy ra khắp nơi mà không thể kiểm soát được. Nhưng cô mong rằng, các con đã có 1 tuần trại hè thật bình yên, vui vẻ, ở một nơi mà không muộn phiền lo lắng gì của thế giới bên ngoài có thể chạm vào được.

Hôm nay đã là ngày cuối cùng chúng ta được ở bên nhau. Cô còn nhớ, ngày này tuần trước, khi các ba mẹ đưa các con đến trường, gửi gắm cho thầy cô, các ba mẹ dặn dò cô thật nhiều, rằng bé hiếu động, ham chơi lơ là, rằng bé hay khóc, rằng bé kén ăn, rằng bé hay bị muỗi đốt…. Làm sao mà không lo được, khi mà đây là lần đầu tiên rời xa vòng tay ba mẹ của tất cả các bé. Cô hiểu sự lo lắng của ba mẹ, và cô cũng hiểu sự bất an của các con, nên cô đã luôn cố gắng để để mắt đến các con, để hiểu được con cần gì, cô muốn mình không chỉ là một người cô, mà còn là một người mẹ, một người bạn của con. Cô muốn con nắm tay cô, chúng ta cùng vượt qua những đoạn đường vất vả, cô muốn con khóc trên vai cô, khi con cảm thấy quá nhớ nhà. Cô muốn mỗi đêm trước khi ngủ, con có thể kể cho cô nghe ngày hôm nay con đã vui như thế nào.

Một tuần qua, chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều hoạt động thú vị. Hôm nay, ngồi xem lại ảnh chụp từ ngày đi Mã Đà, Trị An, cô không khỏi bồi hồi. Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện thật dài. Từ cái đêm đầu tiên, khi nhiều bạn quá nhớ nhà đến mức giấc ngủ cũng chìm trong nước mắt, đến hôm nay tất cả các con đều đã tự tin, bản lĩnh, vẫn nhớ ba mẹ thật nhiều nhưng các con học được cách quản lý cảm xúc của mình và tìm thấy niềm vui từ những người bạn mới cũng như các hoạt động bất tận của nhà trường. 6 bạn nhỏ, 6 tính cách khác nhau. Có bạn hiền lành nhút nhát, có bạn nghịch ngợm bạo dạn. Không phải khi nào các bạn cũng hòa thuận vui vẻ, nhưng rồi sau những giây phút cãi vã, chúng ta lại học được cách làm lành, lại học được cách nhường nhịn, bớt cái tôi của bản thân đi chút ít, tôn trọng tính cách của đối phương thêm một ít. Nỗi buồn thì dễ quên, niềm vui thì còn mãi. Cô mong rằng các con đã tìm thấy được niềm vui của việc sống trong thế giới thực tại. Cô mong rằng con đã hít thở đủ không khí trong lành, ngửi đủ mùi thơm của hoa cỏ, tắm đủ không gian cuả núi rừng và hiểu rằng cuộc sống này có rất nhiều thứ vui vẻ và quan trọng hơn là những đoạn chat, những cái like, những lời bình luận trên mạng xã hội của ai đó mà vài năm nữa con không thể nào nhớ tên nữa. Cô mong sáu người các con luôn là những người bạn tốt của nhau. Cô mong các con sẽ cùng nhau tiếp tục tạo nên những ký ức vui vẻ. Cô mong các con tiếp tục được bơi trong dòng nước của những đại dương lớn và cảm thấy bùn đất dưới từng ngón chân mình khi leo lên những đỉnh núi. Cô mong các con hiểu được sự khác nhau giữa “hiểu biết” và “điểm số”. Cô mong các con hiểu rằng các con có khả năng đạt được mọi thứ các con muốn, miễn là các con tin vào điều đó và cố gắng hết mình để đạt được điều mình muốn. Cô mong các con sẽ làm được nhiều thứ hơn là chỉ ngồi đó và than thở về điều các con muốn thay đổi, vì các con chính là sự THAY ĐỔI mà thế giới này cần.

Và sau cuối, cô mong các con luôn hạnh phúc và tử tế. Bởi vì mục tiêu cuối cùng chúng ta nuôi dạy các con là như thế nào? Là để trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và tử tế.Và đừng quên rằng chúng ta đã cùng trải qua 1 mùa hè ấm áp cùng nhau.

Thân mến./.

Learning in the Woods
288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7
#canhdieu#learninginthewoods#summercamp#nhatkychuyendi

A LETTER TO 2021

Các ba mẹ và các bé thân mến,

Hôm nay chúng ta cùng nhau gấp lại cuốn sách mang tên 2020, và mở ra trang đầu tiên của cuốn sách 365 trang mang tên 2021. Dù rằng năm vừa qua đã đem đến cho chúng ta điều gì, hạnh phúc hay không, cũng hãy cảm thấy biết ơn vì chính những điều đó đã tạo nên chúng ta của ngày hôm nay.

2020 là một năm đặc biệt, và chắc hẳn không dễ dàng với hầu hết mọi người. Tuy nhiên Cánh Diều tin rằng, thử thách cũng đi cùng với cơ hội. Một năm vừa qua, rất nhiều kế hoạch, dự định của Cánh Diều đã phải thay đổi, hủy bỏ, tuy nhiên cùng với sự cố gắng của đội ngũ thầy cô giáo, và sự tin tưởng ủng hộ nhiệt tình của quý vị phụ huynh, Cánh Diều cũng đã tổ chức thành công nhiều chương trình, tạo tiền đề cho các kế hoạch của năm 2021.

– Sau gần nửa năm nghỉ ở nhà vì dịch, mùa hè 2020, Cánh Diều đã cùng các bé có 1 chuyến Xuyên Việt đáng nhớ dài 1 tháng, từ thành phố Hồ Chí Minh rong ruổi qua rất nhiều tỉnh thành ra đến Thủ đô Hà Nội, lên vùng núi Tây Bắc rồi lại ngược con đường Trường Sơn Tây về lại thành phố Hồ Chí Minh.

– 5 kỳ Trại hè, mỗi kỳ kéo dài 1 tuần, gặp gỡ và làm quen với rất nhiều bạn nhỏ lần đầu tiên đi xa nhà lâu đến thế.

– Chương trình Lớp học không tường ra đời vào cuối tháng 8, và vẫn tiếp tục được tổ chức định kỳ vào các ngày cuối tuần cho đến bây giờ. Nội dung chương trình ngày càng được hoàn thiện và được các ba mẹ đón nhận. Với 2 chuỗi chương trình chính là Lê la làng nghề và Zoo adventure, chắc chắn là những sân chơi bổ ích vào dịp cuối tuần cho các bé.

– Kỳ Trại đông 7 ngày đúng nghĩa mùa đông ở VQG Bidoup – Núi Bà, Đà Lạt và hồ Kala.

Ngoài ra còn rất nhiều workshop, cooking class, event, chuyến đi dã ngoại cắm trại dành cho cả gia đình tại nhiều địa điểm còn hoang sơ như Phú Quý, Tánh Linh, Trị An, Bình Lập….

Trong năm 2021, Cánh Diều tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các chương trình đã thành hình trong năm 2020, như Xuyên Việt, Trại hè, Trại đông, chuỗi chương trình Lớp học không tường, các trip dã ngoại cắm trại… Cánh Diều rất mong được sự quan tâm và tiếp tục ủng hộ của quý vị phụ huynh. Chắc chắn rằng, trong quá trình tổ chức, Cánh Diều vẫn còn nhiều thiếu sót, và có những sự cố ngoài mong muốn, Cánh Diều hy vọng nhận được góp ý phản hồi của Quý vị phụ huynh để ngày càng hoàn thiện.

Nhân dịp tết đến xuân về, Cánh Diều xin chúc toàn thể các bé và các ba mẹ 1 năm mới nhiều sức khỏe và niềm vui.

Thân mến./.

Learning in the Woods288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7

#learninginthewoods#canhdieu#aletterto2021

LikeCommentShare

NGÀY XUÂN, LẠM BÀN ĐÔI NÉT VỀ GIÁO DỤC XƯA, GIÁO DỤC NAY VÀ GIÁO DỤC CHO TƯƠNG LAI

Trong suốt lịch sử hàng nghìn năm, trên nhiều miền địa lý, môi trường giáo dục truyền thống quen thuộc là mô hình lấy giáo viên làm trung tâm, tức giáo viên sẽ là người hoàn toàn định hướng cho nội dung và phương pháp tiếp cận trong lớp học. Lớp học sẽ gồm có bàn ghế và những học sinh ngồi ngay ngắn nghiêm túc nghe thầy cô giảng bài, giữa 4 bức tường, cho dù đó là 1 ngày đẹp trời hay không.

Tuy nhiên thời đại đã đổi thay, có nhiều điều có thể từng phù hợp trong thời đại cũ ngày nay đã trở nên không phù hợp. Lấy ví dụ, ngày xưa khi máy tính chưa phổ biến, người ta đề cao việc học sinh nhớ thuộc lòng thật nhiều kiến thức. Tuy nhiên ở thời đại 4.0 bây giờ, mọi kiến thức kim cổ đều có thể tìm thấy trên mạng, việc nhớ thuộc lòng không còn được đề cao nữa. Hiện nay và trong tương lai sắp tới, các kỹ năng tối cần thiết cho trẻ là kỹ năng tìm kiếm thông tin, sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định và khả năng tự học suốt đời. Ngoài ra còn cần có khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm, cùng với đó là kỹ năng thích nghi với những biến động liên tục.Trong tình hình đó, mô hình lớp học truyền thống trong 4 bức tường với người giáo viên là trung tâm ngày càng trở nên yếu thế với nhiều điểm bất cập, dần nhường chỗ cho mô hình giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, trẻ sẽ được học trong môi trường tự nhiên rộng lớn và được giao quyền lớn nhất để quyết định mình sẽ học cái gì, học như thế nào. Người giáo viên, với những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm lâu năm, sẽ là những người bạn đồng hành đáng tin cậy và thú vị cho trẻ trong việc học lâu dài.

Bên cạnh đó, mô hình lớp học ngoài trời, phương pháp học tập bên ngoài lớp học cũng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và đồng tình. Những giá trị cốt lõi của lớp học ngoài trời lấy trẻ làm trung tâm mang lại cho trẻ và việc học tập của trẻ như là:

1. Sự thích thú của trẻ đối với việc học, kích thích trí tò mò: tất cả chúng ta, cho dù là trẻ nhỏ hay người lớn, chỉ có thể học tập hiệu quả nếu chúng ta cảm thấy có hứng thú. Môi trường ngoài trời với vô vàn điều bất ngờ, thú vị không thể đoán trước rõ ràng là vượt trội hơn môi trường bó buộc trong 4 bức tường trong việc kích thích hứng thú và trí tò mò cho mọi người, đặc biệt là với trẻ con. Vì sao những đứa trẻ sinh ra luôn luôn tò mò với mọi thứ, tuy nhiên càng lớn lên trí tò mò đó càng bị bào mòn? Một phần bởi vì chúng ta đã cảm thấy quá nhàm chán với môi trường xung quanh mình, không còn điều gì mới mẻ, bất ngờ nữa. Giữ cho những đứa trẻ luôn cảm thấy hứng thú với việc học, luôn luôn tò mò về thế giới xung quanh là điểm mạnh của các lớp học ngoài trời.

2. Sức khỏe thể chất: có câu nói: “Không có thời tiết xấu, chỉ có trang phục không phù hợp”. Tại các lớp học ngoài trời, trẻ được khuyến khích ra ngoài vui chơi học tập dưới mọi thời tiết, miễn là được trang bị trang phục phù hợp. Việc này đã được khoa học chứng minh đem lại lợi ích to lớn đối với sức khỏe của trẻ. Hơn nữa, việc cho trẻ vận động liên tục, thật đáng ngạc nhiên lại giúp làm giảm sự tăng động ở rất nhiều trẻ. Ngày nay trẻ dành quá nhiều thời gian trong nhà, trước màn hình ti vi, lapotop, là 1 trong những lý do chính yếu khiến cho tỉ lệ các bệnh béo phì, tăng động giảm chú ý, cận thị… tăng cao.

3. Kỹ năng giải quyết rủi ro: một trong những rủi ro lớn nhất của trẻ con ngày nay, là các bé không có nhiều cơ hội tiếp cận với rủi ro và học cách xử lý những rủi ro đó. Môi trường lớp học ngoài trời rõ ràng là nhiều nguy cơ hơn trong nhà, tuy nhiên đó chính là cuộc sống thực tế và các bé cần được biết, được hiểu, được học cách xử lý. Người lớn không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn các rủi ro ra khỏi môi trường sống của trẻ (và điều này cũng không khả thi), thay vào đó hãy hướng dẫn trẻ cách vượt qua các rủi ro đó 1 cách an toàn.

4. Sự kết nối với thế giới thật bên ngoài, kỹ năng làm việc theo nhóm: sự phát triển chóng mặt của công nghệ và mạng xã hội trong những năm gần đây dẫn đến thực trạng nhiều bạn nhỏ dành quá nhiều thời gian để sống trong thế giới ảo mà không biết thế giới thật bên ngoài đang diễn ra như thế nào. Các bạn biết đến những con thỏ 2 chân mà chưa bao giờ nhìn thấy con thỏ 4 chân. Đó là một điều thiệt thòi cho trẻ, bởi vì trẻ bị mất đi cơ hội ngắm nhìn thấy thế giới xung quanh rộng lớn và tươi đẹp thế nào, và cũng rất rủi ro cho tương lai khi kiến thức xã hội của trẻ quá ít ỏi. Việc học tập trong môi trường tự nhiên rộng lớn cũng đồng thời đưa ra nhiều nhiệm vụ cần sự phối hợp làm việc của cả nhóm thay vì chỉ cần từng cá nhân đơn lẻ như môi trường học tập trong lớp, và kỹ năng làm việc nhóm là một kỹ năng tối quan trọng ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi mà trẻ nên nắm bắt được từ những năm tháng đầu đời.

5. Sự tự tin, khả năng diễn đạt cảm xúc bản thân: việc học tập ngoài môi trường thiên nhiên khuyến khích trẻ bước ra khỏi vùng an toàn của chính bản thân, và chỉ khi bước ra khỏi đó, trẻ mới có cơ hội để khám phá những tiềm năng vốn có của mình.

Mỗi phương pháp giáo dục đều có những điểm mạnh, điểm yếu. Mặc dù ủng hộ phương pháp giáo dục ngoài trời, chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng phương pháp này đặt ra rất nhiều thách thức cho đội ngũ thầy cô giáo. Tuy nhiên qua 1 thời gian dài triển khai các chương trình dựa trên phương pháp này, nhìn thấy được rất nhiều lợi ích mà phương pháp này mang lại cho trẻ, đó chính là động lực để Cánh Diều ngày càng cố gắng phát triển mô hình Lớp học ngoài trời.

#lophockhongtuong#canhdieu#learninginthewoods

Learning in the Woods288 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7